Hoàn [CMSN Dụ Văn Châu 2020][Châu Xuất Vu Lam] Về Nhà Ăn Cơm

Hàn Chiêu Thiến

Lure like như hack
Hội Tự Sát
Thần Lĩnh
Bình luận
790
Số lượt thích
3,187
Location
Đà Lạt
Team
Bá Đồ
Fan não tàn của
Hàn Diệp izthebezt!
#1
[CMSN Dụ Văn Châu 2020] Về nhà ăn cơm

---

Author: Hàn Chiêu Thiến

Character(s): Dụ Văn Châu, OC Dụ Hiền (thiết lập mẹ của Dụ Văn Châu)

Disclaimer: Nhân vật thuộc về Hồ Điệp Lam. Câu chuyện thuộc về tôi.

Genres: Family, Fluff/Hurt, OC, Slice of Life, AU!Hospital, Spin-off

Notes: Shortfic nằm trong pj Châu Xuất Vu Lam mừng sinh nhật Dụ Văn Châu 2020.

Summary:“Đứa nhỏ, về nhà ăn cơm với mẹ.”


Con dù lớn, vẫn là con của mẹ

Đi hết đời

lòng mẹ vẫn theo con.

(-Con cò, Chế Lan Viên)

---








Khi nhỏ, sinh nhật là một ngày mà ta có thể thỏa thích ăn bánh ngọt cùng kẹo dẻo, ăn cho đến khi phát ốm và phải vào viện ngày tiếp theo với cái bụng trương phềnh cả lên.

Khi vào đại học, sinh nhật là ngày hoặc ngồi một mình với bài vở trong McDonald, nhận lời chúc qua QQ, hoặc quẩy tung trời với mấy cặp mắt gợi tình nào đó, rượu, thuốc, phê tới mức không phân biệt nổi một cái cây và một con kỳ lân nữa, và sau đó, là biết-rồi-đấy.

Còn khi đã làm bác sĩ, sinh nhật chỉ là một ngày bình thường trong năm. Huống hồ, Dụ Văn Châu không có thói quen ăn mừng các ngày kỷ niệm. Sinh nhật hay lễ Tạ Ơn gì gì đó đã xuôi theo lòng sông đổ ra cửa vịnh Manhattan vào một ngày nào đó trong quá khứ của một du học sinh rồi. Tính ra thì cũng không đến mức tệ đâu, thi thoảng vài chuyến tàu nhanh trong phòng nghỉ cũng có công hiệu xả stress tốt lắm. Miễn là không lăn từ trên giường tầng xuống thì ổn.

Còn nếu ai đó nghĩ rằng bác sĩ là những người có chế độ ăn uống lành mạnh nhất, thì người đó đã nhầm to rồi.








Dụ Văn Châu ăn được đắng, ví dụ như việc uống được cà phê đen pha đặc mỗi ca cấp cứu đêm hay việc trong cháo có nấu thêm mướp đắng chẳng hạn. Thường thì chẳng mấy ai ăn như vậy, có những người thì cái vị ngăm ngăm của cải đắng hay củ cải đường đã khiến họ giãy nảy lên rồi.

Có lẽ vì vậy mà câu thành ngữ “Ngậm đắng nuốt cay” lại vô tình hay hữu ý mà rất hợp với anh. Dụ Văn Châu là kiểu bác sĩ dịu dàng tinh tế sẽ đem lại cho bệnh nhân sự an tâm, nhưng cũng là kiểu người sẵn sàng nghe những lời oán hận, mắng mỏ, chỉ trích từ người nhà bệnh nhân với nụ cười ôn hòa luôn neo bên khóe môi, không chút khó chịu hay cáu gắt. Từ khi Dụ Văn Châu đến bệnh viện này tới giờ, hầu như chưa ai thấy anh nổi giận, cứ như Dụ Văn Châu không biết nổi giận và vĩnh viễn cũng sẽ bao giờ không nổi giận.

Nhưng thực tế chứng minh, trong lòng ai mà chẳng có điều không thoải mái, chỉ là bình thường họ có để lộ chúng ra hay không thôi. Ví dụ như chuyện bạn ghét ra mặt một đứa đồng nghiệp hay người yêu cũ, mỗi khi bạn nổi giận sẽ đỡ gây bất ngờ hơn là cứ im lìm một thời gian để rồi khi nổi giận, mọi thứ bùng nổ như thể núi lửa phun trào.

Vào một buổi đêm buồn nản, Dụ Văn Châu thả mình nằm lên chiếc băng ca còn trống, uể oải sau khi nuốt xuống món cháo củ cải đỏ nguội ngắt mua về trong hộp nhựa, chua chát mở lời.

“Đến bố tôi còn không biết ông ấy là bố tôi, và tôi cũng chẳng biết ông ta là ai.”

“Bác sĩ Dụ, ổn chứ?” Vương Kiệt Hi hai ba miếng giải quyết xong phần của bản thân. Thành thật mà nói, cảnh Dụ Văn Châu nổi giận có thể xem là kỳ quan đáng ngó của cái bệnh viện này rồi, chưa kể đó không phải nổi giận với đồng nghiệp mà là phát hỏa lên với gia đình bệnh nhân, đi kèm với việc viết kiểm điểm (nếu có thời gian viết, Diệp Tu nói, sau giai đoạn này đã) và tháng này bay mất tiêu 10% lương (mà dám cá là Diệp Tu phạt mồm thế thôi chứ không thèm trừ). Nhưng phải thừa nhận, bà mẹ ấy mắng ngoa ngoắt quá đáng đến xốn lỗ tai.

“Không. Tôi thấy mình đang hạ đường huyết, hoặc sắp nằm luôn lên bàn mổ rồi.”

Dụ Văn Châu cười cười, cầm lấy bệnh án bên cạnh phe phẩy quạt mấy cái. Ánh đèn trắng làm mắt anh hơi nhói, còn giọng thì từ hơn một tuần trước đã sớm khàn khàn. Có vẻ mấy cô y tá mới sẽ nghĩ chất giọng ấy nhẹ như gió, lào khào một cách bí ẩn và chất chứa sự cuốn hút điên cuồng, nhưng với Dụ Văn Châu thì nó là giọng của một kẻ hết hơi khi chưa trị dứt điểm một dạng của viêm đường hô hấp dưới: viêm phế quản cấp. Lần đó cứ tưởng là chết thật rồi chứ. Để bệnh quá nặng, ho ra quá trời máu, máu có bọt nổi và nằm sóng soài dưới sàn nhà lạnh ngắt đầy mùi HOS-3000.

“Tốt nhất đừng có chết trong ca.” Nụ cười của Vương Kiệt Hi hơi vặn vẹo dưới ánh đèn mờ mờ tỏ tỏ. “Khá phiền đấy.”

“Nói thế làm tôi thấy cay đắng quá, bác sĩ Vương.”

“Tất nhiên tôi không phiền báo tử cho thêm một người.” Vương Kiệt Hi cầm lấy bệnh án, lật vài trang trong lúc cười lục khục. “Nhưng tôi không hi vọng mất đi một tay mổ cứng cựa.”

Dụ Văn Châu tủm tỉm, vẫn chây ỳ ra trên băng ca. “Tôi cũng không hi vọng mình chết nhanh thế. Cầm dao mổ là cảm giác đứng trên đỉnh thế giới mà.”

“Văn Châu.”

“Ừ?”

“Người nhà cậu không đến à?”

Nụ cười của Dụ Văn Châu vẫn vương vấn trên làn môi bệch bạc. “Ừ, nhưng sao thế? Hay thực tế thì tôi bị ung thư phổi?”

“Cậu không bị ung thư, nhưng cậu cũng suýt chết.”

“Chắc do tôi chưa cúng thổ địa Bắc Kinh thôi. Đừng lo làm gì.” Dụ Văn Châu nhắm hai mắt lại, nét cười buông xuống phần nào. “Hết đợt bệnh tôi sẽ đi cúng. Hy vọng là chư vị thánh thần không thấy phật lòng vì lễ dâng hơi muộn.”

Nếu đã nói đến cúng kính, tốt nhất nụ cười của cậu đừng có cay đắng vậy được không? Vương Kiệt Hi nhún vai, nheo mắt giơ tấm phim chụp não từ bệnh án ra soi dưới ánh đèn, trước đó còn tiện tay kiểm tra cái máy nhắn tin trên eo Dụ Văn Châu xem còn pin không. Bác sĩ và y tá trong bệnh viện kết nối với nhau bởi mạng lưới máy nhắn tin dày đặc, đảm bảo cho bọn họ dù ở bất kỳ ngóc ngách nào cũng có thể nhận được tin cấp cứu, bởi vậy mà pin luôn phải sạc đầy đủ và lúc nào cũng cần phải mang theo pin thay dự phòng. Thế nhưng, nói đến ngủ thì chắc cả bệnh viện Vinh Quang hiện tại cũng không bác sĩ nào cần ngủ hơn Dụ Văn Châu, người đã quả cảm bò ra khỏi giường bệnh khi vẫn còn ho liên tục và tiếp tục chạy khắp nơi từ tầng bảy xuống tầng một và tầng một lên tầng bảy như một món động cơ chạy bằng diesel để đối phó với đợt cao điểm của dịch cúm xuân đang bùng phát tóe loe khắp cái thành phố này, còn bệnh viện thì hai ngày nay lúc nào cũng ngấp nghé nguy cơ vỡ trận, và bản thân cậu ta lại rất dễ bệnh chồng lên bệnh thêm phát nữa, khi mà hệ miễn dịch đã mệt lử sau khi đánh nhau với mấy con virus adeno.

“Trưa nay cậu muốn ăn gì không? Trong trường hợp chúng ta hở ra được thời gian mà đi ăn được.” Vương Kiệt Hi hỏi trước khi tiếng chuông cấp cứu khẩn cấp ré lên giữa không gian ù lỳ, song song lúc với bản tin trên TV hành lang phát tới đoạn “...tàu đi từ Vũ Hán tới Bắc Kinh bị lật, tử vong 118 người, số người bị thương đang cập nhật...”

“Cháo thôi. Cháo trắng cũng được.” Dụ Văn Châu bất đắc dĩ mở mắt ra. “Đó là thứ duy nhất tôi nuốt được hiện giờ. Mẹ bà nó!”








Cứu người chưa bao giờ là công việc dễ dàng – một cái game mà người chơi không thể dựa vào nạp tiền để lên hạng, hoặc là đủ trình, hoặc là không, bất kể có ngủ với bác sĩ giảng viên hay trưởng khoa đi chăng nữa. Suy cho cùng thì trong đám-bác-sĩ-ngạo-mạn-đáng-ghét cũng đâu có ai tình nguyện bị bệnh nhân hay người nhà họ gọi là bèo-nhèo-dở-hơi-như-y-tá đâu.

“Chưa xác định danh tính, tầm 30 tuổi, thang hôn mê là 3, đồng tử giãn cố định, huyết áp 183/112, độ bão hòa oxy 98%, trung thất giãn rộng, CT cho thấy bị phù não...” Dụ Văn Châu nhận lấy phim chụp não từ tay cô bé thực tập, giơ lên dưới đèn. Bảng đọc X-quang trong phòng hiện đang bị Hoàng Thiếu Thiên và Trịnh Hiên chiếm mất tiêu. Cô nàng Đới Nghiên Kỳ vẫn tiếp tục nhả chữ đều đều như radio, và Dụ Văn Châu nảy ra trong não một cụm từ khá hay ho –em gái Thiếu Thiên, anh chăm chú nhìn những phiến chụp cắt lớp trong khi môi vẽ làn lạt một nụ cười, còn Lư Hãn Văn thì đang cúi lưng dùng đèn soi quan sát đồng tử. “...đã cho atropin khi mạch đập ở mức 40, cùng với 70 mg mannitol, 10 mg dexamethasone và 1gr thuốc chống co giật.”

“Có đưa lên phòng mổ không ạ?” Lư Hãn Văn hỏi khi Dụ Văn Châu cuối cùng cũng buông phim chụp xuống. Anh cúi người viết lên bệnh án, những ngón tay trắng bệch run run phải tì mạnh cây bút xuống trang giấy mới có thể viết nên chữ: từng dòng lên đèo xuống dốc.

“Không.” Anh đáp. Ngoài hành lang, tiếng băng ca hòa cùng tiếng bước chân dồn dập và hàng trăm giọng nói hòa trộn cùng nhau thành một bản giao hưởng hỗn tạp, đập thình thình vào màng nhĩ như đang gõ trống và kích thích mạch máu trong não căng lên tưởng như muốn vỡ tung ra. Có thể với các thực tập hôm nay mới có ca sau một ngày nghỉ ngơi đầy đủ thì vụ lật tàu này chẳng khác gì một mũi andrenalin cho một ca phụ mổ ngon nghẻ, nhưng với Dụ Văn Châu thì không. Anh biết mình mệt, nhưng giờ không phải lúc để dừng lại. “Cho làm điện não đồ và các xét nghiệm khẳng định chẩn đoán. Sau sáu tiếng đồng hồ mà không có dấu hiệu tỉnh lại thì tuyên bố chết não đi. Báo tử bao giờ chưa?”

“...dạ? À, chưa ạ.” Lư Hãn Văn trả lời. Dụ Văn Châu nở một nụ cười nhợt nhạt yếu ớt.

“Vậy thì hôm nay biết là vừa.” Anh nhợt nhạt rời đi. “Không phải ca này thì cũng ca khác thôi. Tàu lật mà.”

“Nhưng mà…”

“Một tiếng kiểm tra một lần nhé.” Dụ Văn Châu nói trước khi cửa phòng đóng lại. Miệng anh đắng nghét, đầu mày thoáng cau lại như đang nhớ tới một chuyện gì đó chẳng được tốt đẹp cho lắm, khi mà chuông nhà thờ xam xám phía xa xa, ngoài cửa sổ phòng bệnh bắt đầu ngân nga chào buổi sáng, loang trong không gian lạnh lẽo đến tận những tàng hoa sứ ngoài bệnh viện, hệt như những vòng đồng tâm vô hình. “Tập cho quen đi. Đừng tốt bụng quá.”

Đừng tốt bụng quá.

Dụ Văn Châu không nhớ nổi mình đã nghe câu đó từ miệng mẹ bao nhiêu lần. Bà là một người phụ nữ rất đẹp, từng học mười hai năm trường dòng trước khi bỏ lại cảnh tĩnh lặng của nhà thờ cùng lời gọi của Chúa phía sau lưng để thi vào trường Y và trở thành bác sĩ – một trong những nữ bác sĩ phẫu thuật giỏi nhất trong cái chiến trường khốc liệt mà nam giới chiếm số đông: về cả sức khỏe, trí lực và tinh thần chịu đựng. Rồi mẹ gặp bố, có anh và biến mất.

Dụ Văn Châu đã lớn lên ở một con hẻm lát đá, nằm sâu trong khu phố cổ ở một góc Quảng Châu, từ phòng anh mở cửa sổ ra là thấy tháp nhọn của một nhà thờ xây bằng đá xám. Quả chuông ấy cứ điểm những nhịp ngân nga, ngày ngày, đều như vắt chanh. Mọi người ở hẻm đều gọi mẹ anh là dì Dụ. Họ thường tìm đến bà những lúc đau ốm. Ở đầu hẻm có một thím bán đậu hũ nóng, thường xuyên đến lấy thuốc trị đau khớp ở chỗ mẹ, bởi vậy nên thím luôn ưu ái cho Dụ Văn Châu những lúc anh đến ăn. Sốt mặn và sốt ngọt đều có, nhưng anh thích nhất là sốt ngọt. Cái cảm giác nhấm nhút thứ mật ngọt nóng hôi hổi ấy thực là đã nghiền, nhất là khi khẩu vị mới chớm trở lại trên đầu lưỡi đắng nghét, mỗi khi vừa khỏi cơn ốm. Dụ Văn Châu khi bé là một cậu nhóc ngoan và trắng, tưởng chừng như một cơn gió cũng có thể thổi bay. Ừ, triền miên trên giường bệnh, luôn im lặng. Những ngày ấy không nuốt được gì ngoài cháo, mẹ cũng gần như không cho anh uống thuốc bao giờ, có vẻ bà tin vào những món canh hầm và cháo hơn, thú thực khá kỳ lạ cho một người từng là bác sĩ. Nhưng cũng có vẻ, bà không có khiếu về mấy món cháo cho lắm. Bà nấu rất dở, đó là sự thật, món cháo nào cũng vừa đắng vừa mặn, dù tô cháo đắng ấy giúp anh khỏi bệnh rất nhanh. Dụ Văn Châu sẽ nhăn mặt khi phải ăn, song cũng không phàn nàn gì. Hai mẹ con đều là những con người kỳ lạ, nhưng cả hai vẫn có những điểm tương đồng. Ở cái tuổi ấu thơ, không như những đứa trẻ khác, Dụ Văn Châu không đặt quá nhiều câu hỏi. Anh hỏi vì sao không có bố, hỏi vì sao mình lại mang họ của mẹ và chỉ hỏi đúng một lần, mẹ cũng không trả lời. Anh nhớ mẹ luôn nở nụ cười, một nụ cười ôn hòa hàm ẩn nhiều thứ không nói ra. Bà dạy sao thì anh nghe vậy, thứ anh học trọn vẹn nhất từ bà có lẽ là nụ cười ấy, vừa đủ ấm nhưng mà cũng hơi lạnh. Làm sao mà vừa đủ ấm mà cũng hơi lạnh được? Đó lại là một bí ẩn khác của tạo hóa. Chắc thế, vừa đủ để khiến người ta cảm thấy ấm áp, nhưng vừa đủ để khiến người ta không thể lại gần và dò xét mình, nghe mới ngọt ngào, thuận tiện và cay đắng làm sao.

Có lẽ Dụ Văn Châu đã gặp may trên con đường học tập, khi mà anh đến trường Y vào lúc tên tuổi của bác sĩ phẫu thuật Dụ Hiền vẫn là một truyền kỳ chưa hề lùi vào dĩ vãng. Những cuốn sách dày, bìa mềm hoặc cứng, xỉn màu. Những tập sách mỏng, bìa xanh lợt. Những cuốn sổ dày chi chít chữ cũng những câu hỏi được khoanh vùng bằng đủ thứ màu mực, vẽ rất nhiều mẫu hình. Và những tập giấy nhớ ghi chú lại đủ mọi ca bệnh những năm tháng còn là thực tập. Anh lăn lộn trong tủ sách cũng những ghi chép của mẹ từ khi còn là một đứa nhóc. Có một cái gì đó gợi lên sự ham thích hơn cả những cuốn truyện tranh hay mô hình rô bốt. À, dĩ nhiên anh cũng có chơi game, đa số những đứa con trai đều vậy, nhưng anh chơi không nhiều. Ở một buổi thực hành sinh học nào đó, chẳng nhớ nữa, nhưng chắc chắn là hồi học phổ thông, Dụ Văn Châu đã đọc vanh vách các loại phương pháp sơ cứu lồng ngực, kể cả những kiến thức không có trong sách vở phổ thông mà chỉ có thể ngộ ra khi đã dấn thân vào thực hành – đã sớm in sâu vào trí não một đứa học sinh còn đang mài đũng quần trên ghế nhà trường, trước con mắt ngạc nhiên của thầy giáo và vị bác sĩ thỉnh giảng, cùng ánh mắt sùng bái của bạn bè chung quanh. Đã nghiền lắm phải không? Một chút thôi. Có ích gì đâu. Người ta vẫn sẽ chết, rất nhiều trường hợp như vậy rồi. Những dòng chữ xanh xanh, nghiêng nghiêng in hằn vào từng tế bào não. Vị bác sĩ thỉnh giảng nhìn anh với một chút dò xét. Có vẻ ông bắt được những đường nét quen mắt trên gương mặt của Dụ Văn Châu. Anh chọn cách mỉm cười ôn hòa và cúi người thật lễ phép. Vị bác sĩ ấy, vào cuối giờ thực hành, khi mà đám học trò đã túa ra khỏi lớp như bầy ong vỡ tổ, ông đã hỏi anh sau này có muốn trở thành bác sĩ không.

Thú thực là Dụ Văn Châu đã hơi ngạc nhiên, mặc dù kỳ lạ ở chỗ anh không thấy bất ngờ lắm.

“Con thật sự rất giống cô Dụ. Cô ấy đã từng là một trong những bác sĩ phẫu thuật giỏi nhất đấy, ừ, Dụ Hiền.” Ông nhìn anh qua cặp mắt kính. “Mẹ con vẫn khỏe chứ?”

“Mẹ vẫn rất khỏe ạ.” Anh mỉm cười.

Tiếng chuông nhà thờ cắt ngang cuộc nói chuyện của hai người, khi mà ông còn định nói thêm gì đó. Bằng một cử chỉ khiêm tốn, anh lễ phép cúi chào, còn ông thì buông một tiếng thở dài trước khi cầm lấy cặp táp và rời đi. Từ đó về sau, anh không bao giờ trông thấy vị bác sĩ ấy nữa.

Tối hôm ấy, Dụ Văn Châu trở về nhà và nói với mẹ rằng, sau này anh muốn trở thành bác sĩ.

“Vậy thì, đừng tốt bụng quá.”

Bà nói thế trong lúc xoa bóp bàn tay anh. Chỉ một câu như thế. Chẳng nói gì về vụ y đức hay lập lời thề, hay kể lể gì cả. Chỉ vỏn vẹn như thế. Anh cũng không hỏi thêm bất cứ điều gì, và cũng sẽ không hỏi.

Bát cháo đắng nghi ngút khói đặt trên bàn. Bàn tay Dụ Văn Châu lạnh quanh năm. Vào lúc đó, anh vẫn còn hơi cảm mạo một chút, sau khi mới rời khỏi giường. Anh đã phát sốt, trước đó một tuần liền.

Sau đó mấy năm, Dụ Văn Châu trở thành thủ khoa khối tự nhiên của Quảng Đông, vào trường Y với số điểm cao ngất, rồi được cử đi du học ở bên kia biển biếc. Vẫn phát ốm đều đều.

Nhưng không còn bát cháo đắng nữa. Ít nhất thì anh ăn được những thứ rất đắng.

Có lợi trong việc làm quen với trái đắng cuộc đời lắm. Ở bệnh viện, điều đó diễn ra luôn luôn.








“Bên Cấp cứu thông báo, sắp vỡ trận rồi.” Vương Kiệt Hi đi đến từ đầu bên kia hành lang, sải một bước dài gấp ba bình thường. Thành thực mà nói, muốn không nhận ra anh cũng khó, Dụ Văn Châu nở một nụ cười nhợt nhạt. Không gian rộng rãi mọi khi đã sớm đông nghẹt những người là người. “Trông cậu sắp ngất tới nơi.”

“Cơ địa tôi không tốt mấy. Thiếu Thiên vừa vào phòng mổ số 5 rồi.” Dụ Văn Châu đưa bệnh án qua, vươn mũi cố hít lấy chút không khí đặc mùi mồ hôi. “Ca chấn thương sọ não này ném cho anh. Phòng mổ thì kín lịch. Ít nhất cũng phải hai tiếng nữa.”

“Bên cậu ổn chứ?”

“Đến bên Sản còn không ổn thì làm sao bên tôi ổn được. Vì cái lẽ gì đó mà các bà bầu lại lên cái chuyến tàu thổ tả này, kiểu vậy.”

“Cậu hôm nay chửi thề hơi nhiều đấy.” Vương Kiệt Hi đóng bệnh án, sải chân lượn đi theo hướng ngược lại. Dụ Văn Châu nhận bệnh án mới từ tay Từ Cảnh Hi đang đi tới, cũng lượn theo người bên mình sang phòng bệnh góc phải hành lang. “Không giống cậu chút nào.”

“Tôi mệt. Hoặc có lẽ tôi phải xem lại thành phần thuốc mấy người kê cho tôi.”

Vương Kiệt Hi hét với lên từ đầu kia hành lang. “Đừng có chết trong ca đấy nhé.”

“Yên tâm, tôi cũng chưa muốn mất chức trưởng khoa phẫu thuật tương lai mà mình được hứa hẹn vào tay anh.”

“Cứ chờ xem đi.”

Vậy đó, ngay cả giữa những ca cấp cứu của một chuyến tàu lật chết hơn trăm người và càng lúc càng có xu hướng gia tăng, và giữa lúc sắp ngấp nghé vỡ trận, cuộc sống cùng những tham vọng về công việc vẫn tiếp tục trôi đi như một trò đùa. Trưởng khoa phẫu thuật hiện tại là Diệp Tu, một kẻ thiên tài cà lơ phất phơ nhưng tinh thần thì chói lọi hơn bất kỳ ai, anh ta sẽ chẳng bao giờ cần e sợ cái bóng quá lớn của Dụ Hiền phảng phất quanh người Dụ Văn Châu, hoặc Vương Kiệt Hi, quá giỏi để chú ý chuyện đó, nhưng người khác chắc gì đã vậy. Thế thì cứ tiếp tục ghen tị đi! Việc được phân ca ngon khi còn là thực tập cũng na ná việc bố mẹ là ai, hay như khi còn ở Manhattan, có cô nàng nào đó đã ngủ với bác sĩ giảng viên, kiểu kiểu vậy đấy. Kết quả của việc đó là dù có là một cô nóng bỏng hay một thằng tàn tay thì cũng phải lên tay, cộng thêm cho sự chỉn chu cần cù sẵn có. Hầu như không ai vượt qua kỳ thi và trở thành bác sĩ chỉ bằng việc ngủ với sếp, sự thật là vậy.

Ít nhất, phải có một chút năng lực. Cứu người như một trò chơi phải có đủ trình để chơi, và, đừng tốt bụng quá.

Tốt bụng quá sẽ hại người, cũng sẽ hại mình. Ấy là những gì Dụ Văn Châu rút ra được trong những tháng ngày chạy long tóc gáy, đến tối thì trèo đại lên một cái băng ca nào đó còn trống, kê sát tường và ngủ một mạch tới sáng, mặc kệ những ánh nhìn tò mò của đủ loại người đi trên hành lang. Đa số trong đó, nhạt miệng đến khổ sở.

Những lúc lết được về nhà và bật bếp lên, Dụ Văn Châu trong cơn sụt sịt vì cảm mạo cũng ít khi đếm số lần mình nấu cháo như trước nữa, bởi đơn giản là dù cố gắng mấy cũng không thể nấu ra được cái vị đắng kỳ lạ như mẹ nấu khi xưa.

Nói ra có thể đồng nghiệp sẽ cười vỡ bụng, hoặc tệ hơn, có thể đặt cho vài biệt danh nào đó nghe vào là nổi đóa. Như Châu-Bám-Mẹ chẳng hạn.

Thực ra thì nếu có thật, cũng không tệ mấy. Dụ Văn Châu vẫn sẽ nở nụ cười ôn hòa cam chịu như mọi khi thôi. Như thể không biết nổi giận và vĩnh viễn cũng sẽ không bao giờ nổi giận.

Mẹ anh cũng vậy. Dì Dụ trong mắt mọi người ở con hẻm cũ ấy, luôn luôn là một người phụ nữ rất đẹp, không hề nổi giận với ai và vĩnh viễn có lẽ cũng sẽ không bao giờ biết giận người là như thế nào.

Làm sao có thể quên một người như thế? Không quên được, rất khó để quên. Và thi thoảng, nếu không nhớ đến thì chính là đang nói dóc. Người ta không mắc bệnh Alzeimer khi già đi theo những năm tháng mà người ta trôi qua, sự quên lãng đôi khi khiến họ trở thành một đứa trẻ. Người ta sẽ không già đi, cũng sẽ không quên hẳn. Bệnh tật không lấy đi được điều đó. Ừ, Dụ Văn Châu chưa đến cái tuổi có nguy cơ mắc bệnh lẫn để rồi chết trong cơn quên lãng những gương mặt mình từng gặp qua hay mơ hồ nhớ lại những lúc mình vẫn còn là một cậu bé con ngoan và trắng, hay đau ốm, dù trong bộn bề công việc không thiếu những lúc não người biến thành não cá vàng, nhưng chuyện nhớ và thèm mùi vị của món cháo đắng nghét ấy lại là sự thật.

Giống như vào một buổi tối buồn nản lạnh lẽo của tháng Hai ở rất nhiều năm về trước, thứ Dụ Văn Châu thả mình lên không phải là một cái băng ca, cũng không phải là việc xỏ giày vào để chạy khắp nơi trong khi bản thân hâm hấp sốt, hạ đường huyết, chân tay lạnh như băng còn hơi thở thì nóng rẫy.

“Con thấy sao?”

“Vẫn thế ạ.” Dụ Văn Châu mơ màng nhìn gương mặt mẹ dưới ánh đèn tù mù, nở nụ cười dịu dàng. Hương hoa sứ trắng lãng đãng trong đêm, len lỏi vào qua kẽ hở của chốt cửa, lẫn cùng mùi cháo còn sót lại trong cái chén rỗng bốc khói, khi tay mẹ thu dọn mọi thứ, thìa sứ va vào thành chén, lách ca lách cách. “Cháo mẹ nấu thật dở, vừa đắng lại vừa mặn.”

“Đắng mới tốt. Thuốc đắng dã tật.”

Đã lâu lắm rồi. Cái đắng ấy không phải khổ qua hay thứ gì tương tự, chỉ là một cách để một đứa trẻ uống thuốc mà không biết thứ đấy là thuốc thôi.

Với tất cả những gì đã trôi qua, như Patrick Modiano đã từng viết trong một cuốn sách nào đó, nhiều người và nhiều thứ rốt cuộc đều trở nên hài hước tới mức bạn ném tất cả vào họ và vào chúng một cái nhìn trẻ con.








“Thời điểm tử vong, 6:28.”

Dụ Văn Châu tháo mặt nạ dưỡng khí xuống, cố gắng tự hô hấp, lảo đảo chống tay vịn tường đứng dậy. Vỡ trận giữa đêm cùng những ca mổ kéo dài và ánh đèn chói lóa trong phòng phẫu thuật hồ như đã rút kiệt sức lực của anh. Đói muốn nhũn chân, tay lạnh như băng và hơi thở nóng như bắt phải lửa. Lúc 5:58, Lư Hãn Văn báo tử cho một ca. Anh ngồi ngoài phòng, không nói, không hỏi, ấn mặt nạ dưỡng khí lên mặt mình, thở oxy. Bệnh viện cứ như bị rút sạch mọi phân tử oxy, khắp nơi ngập tràn carbonic. Đông quá mà. Chẳng có phép màu y khoa nào cả, dù người ta luôn nói đến nó và mong chờ vào nó như mong chờ vào một đấng siêu nhiên, có lẽ như một tấm bùa hộ mệnh, hay một bức tượng Phật bà. Bởi lẽ đó mà ta làm hàng đống các xét nghiệm để khi thời điểm thông báo tử vong tới, ta biết mình đã làm tất cả mọi thứ để đảm bảo cả về mặt sinh học, pháp lý và y khoa rằng thời điểm ấy là thời điểm đúng, rằng sẽ chẳng có phép màu nào cả. Bệnh nhân vẫn chết, bác sĩ và y tá vẫn sống, người nhà bệnh nhân vẫn gào khóc, la ó, chửi rủa và có khi là xông lên đánh đập trong khi bác sĩ phải đứng chôn chân nhìn người ta chết và chịu đựng, thời gian trôi qua thật phí phạm cuộc sống làm sao.

Sẽ chẳng có một ai thông cảm, mà cũng chẳng có thêm thời gian để thông cảm cho chính mình. Dụ Văn Châu bỏ ra ngoài hàng hiên trước cửa lớn bệnh viện, nơi trồng một hàng cây hoa sứ trắng đang nhú những lộc non xanh ngọc giữa cơn mưa xám bay. Người ta còn gọi chúng là loài hoa nghĩa trang. Không khí lạnh ngắt cuồn cuộn tuồn vào hai cánh mũi, tràn tới từng phế nang, ủ đông như băng khắp mọi ngõ ngách phế quản, thanh tỉnh mà đau buốt, bóp nghẹt, vặn xoắn từng hơi thở mà không chỉ đơn thuần là do căn bệnh viêm phế quản vẫn trị chưa dứt cơn.

“Văn Châu.”

Dụ Văn Châu lẳng lặng nhìn người phụ nữ lạc lõng đứng giữa con đường ướt rượt, trơn đến mức có thể soi gương. Tầng nước ẩm ướt phản chiếu hình bóng của bà, anh dường như có thể tưởng tượng ra những ngày ấy, bà mặc áo blouse trắng, cũng đứng ở cửa bệnh viện này nhìn ra những cơn mưa trong làn gió se sắt.

Ngày mười tháng Hai, gió lạnh. Cành nhánh trên cao rào rạt trong gió, tưởng chừng như cuốn vào cả những cuộn mây xám bay.

Dì Dụ đứng dưới tán ô xám xanh, cầm trên tay chiếc cặp lồng bọc trong tầng tầng bọc vải, nép mình đơn bạc trong tấm áo len mỏng, lặng lẽ để gió ve vút mơn trớn trên mái tóc đã lấm tấm sợi bạc vương vấn quanh gương mặt vẫn còn nét đài các kiêu sa của một thời son rỗi.

Trong trí của Dụ Văn Châu, mẹ trước giờ vẫn như vậy, hiền lương dịu dàng như Quan Thế Âm Bồ Tát, cũng khả ái như Đức Mẹ Đồng Trinh Maria.

Nước mắt Dụ Văn Châu trào ra không sao ngừng được.

“Đứa nhỏ, về nhà ăn cơm với mẹ.”





end.


Số liệu trong fic được tham khảo từ Grey's Anatomy.
 
Last edited:

Băng Ly

Như kim tác quán đồng tâm kết
Hội Tự Sát
Thần Lĩnh
Bình luận
323
Số lượt thích
2,198
Team
Gia Thế
Fan não tàn của
Tán Tu Tán
#2
Dì Dụ đứng dưới tán ô xám xanh, cầm trên tay chiếc cặp lồng bọc trong tầng tầng bọc vải, nép mình đơn bạc trong tấm áo len mỏng, lặng lẽ để gió ve vút mơn trớn trên mái tóc đã lấm tấm sợi bạc vương vấn quanh gương mặt vẫn còn nét đài các kiêu sa của một thời son rỗi.

Trong trí của Dụ Văn Châu, mẹ trước giờ vẫn như vậy, hiền lương dịu dàng như Quan Thế Âm Bồ Tát, cũng khả ái như Đức Mẹ Đồng Trinh Maria.

Nước mắt Dụ Văn Châu trào ra không sao ngừng được.

“Đứa nhỏ, về nhà ăn cơm với mẹ.”
Không gì quý hơn tình cảm gia đình, cũng không có gì bao la được bằng lòng mẹ.

Fic đẹp mà man mác, không quá buồn nhưng cảm động!

Sau tất cả mệt mỏi sóng gió nghề nghiệp, cuối cùng lại được - về nhà với mẹ thôi!
 

Bình luận bằng Facebook