Ongoing [Vương cầm ký][Phiên ngoại][Nhiều CP] Cẩm Sắt ca

Hàn Chiêu Thiến

Lure like như hack
Hội Tự Sát
Thần Lĩnh
Bình luận
790
Số lượt thích
3,187
Location
Đà Lạt
Team
Bá Đồ
Fan não tàn của
Hàn Diệp izthebezt!
#1


[Hạo Nhiên][Vương cầm ký][Ngô Tuyết Phong] Mai thê hạc tử

---​

Xuân san huyết lệ điểm khinh sa,

Xuy nhập Lâm Bô xử sĩ gia.

Lĩnh thượng mai hoa tam bách thụ,

Nhất thời ưng biến Đỗ Quyên hoa!

- Tứ tuyệt kỳ 2, Phùng Tiểu Thanh​

---​


Biệt viện Tây Hồ, phòng không chiếc bóng, chỉ có mùi trầm tỏa từ lô hương, cùng tiếng tuyết rơi xào xạc ngoài song, phủ ngọn ngô đồng. Nắng tan trên tuyết, mầm non nhú lộc, dưới tiết đông qua xuân tới, xanh non cùng tinh sạch, lung linh tựa nến cháy đầu tường phía đông.​

Từ ngày mang đàn Cẩm Sắt về, Ngô Tuyết Phong để ý thấy có vô số chuyện lạ. Khi tấu đàn, vô số ảnh hình trập trùng điệp điệp lên nhau, hiện lên trước mắt, tưởng chừng vươn tay ra là chạm tới, từng đường từng nét sinh động như thật. Sao có tỏ có mờ, trăng khi tròn khi khuyết, chuyện trước mắt từng lúc mà khác nhau, song thân thuộc kỳ lạ, tựa hồ như đã trải qua rất lâu về trước.​

Thi thoảng trong đêm, chàng lại nghe thấy ở thư phòng tiếng tài tử ngâm thơ. Cũng có khi, là giọng giai nhân đang ca xướng.​

Song, mỗi khi chàng bước vào, phòng lại chẳng có lấy một bóng người, chỉ có cây đàn Cẩm Sắt nằm trên bàn lót gấm đỏ thêu hoa, lạnh lẽo bên song, trăng chiếu ô cửa, hắt bóng lẻ soi.​

Dần dần, một đồn năm, năm đồn mười, tin chẳng biết từ đứa đệ tử nào của Vân Thủy phu tử truyền ra, người ta kể rằng, ở nhà vị phu tử tài ba ấy có một cây đàn thần.​

Đàn tự tấu nhạc, đêm khuya thanh vắng, điệu từ thê lương.​

Người nghe mà lệ chứa chan, áo xanh ướt đẫm, tựa như Bạch Lạc Thiên rơi lệ tỳ bà trên bến Tầm Dương khi trước.​







Vân Thủy phu tử có một thú vui, ấy là tầm sưu đủ thứ kỳ thư trên khắp thiên hạ. Ngài lại có nhiều biệt tài, trong đấy có thư pháp, một nét bút đưa xứng trăm lạng vàng. Thường những kẻ sành văn thơ ưu nhã, thường tìm kiếm đủ loại kỳ thư tặng ngài, mong đổi được một bức trung đường trưng trong gian khách.​

Ngày ấy, có một gã chủ tiệm đồ cổ mang đến biệt viện của Vân Thủy phu tử một cây đàn tranh, tên gọi Cẩm Sắt, làm từ gỗ ngô đồng trăm năm, thân khảm bạch ngọc lạnh toát. Đàn có đến năm mươi dây, dây nào dây nấy đanh sắc, chạm lên buốt nhói da thịt, lại tựa như có linh hồn, mới phẩy nhẹ một nhát đã phát ra tiếng nỉ non như oán như sầu đong cả kiếp người.​

Kẻ hiến vật chỉ cầu một bức thư pháp, gã sẵn sàng đổi cả cây đàn.​

Ngô Tuyết Phong buông Kiêm gia đang ngâm dở, chợt hồi tưởng lại. Chàng nhớ gã từng thần thần bí bí mà nói rằng, cây đàn này vốn thuộc về một nhạc sư tài hoa họ Vương, sau khi người đó nhảy sông tự vẫn thì Cẩm Sắt được một nữ sĩ bằng hữu đem về, sau truyền lại cho đệ tử chân truyền của nàng ta, rồi cũng như thế mà nhà vị đệ tử ấy lại truyền tiếp cây đàn cho những kẻ sau. Cứ thế cứ vậy, Cẩm Sắt long đong lận đận, hết tay người này đến tay người khác, song rất hiếm người có thể tấu nó.​

Thứ nhất vì Cẩm Sắt có tới năm mươi dây, đàn tranh bình thường chỉ vẹn băm sáu. Thứ hai, dường như Cẩm Sắt biết nhận biết thức, không phải chủ nhân nó chọn, tuyệt không thể tấu ra tiếng.​

Ngô Tuyết Phong biết mấy gã buôn cổ vật giỏi nhất là kể đủ thứ phong vận kỳ duyên trên đời, nên chàng cũng chỉ cười rồi thả chuyện như gió thoảng qua tai. Nay ngẫm lại, có khi không phải là không có lý.​

Thế nên, khi gã buôn đồ ấy mang theo một bức tranh xuất hiện trước cửa, chàng không ngần ngại mà mời vào gian khách, sai đứa ở đun nước pha trà.​

Tranh vẽ một vị tài tử say rượu đương vung bút đề thơ, mặt mày như ngọc, hình dong tuấn tú, phóng khoáng cao ngạo, như phượng như hoàng.​

Trên đề,​

Mộc Tô tài tử」.​







“Ngài nói nghe tiếng Cẩm Sắt tự tấu vào lúc canh ba?” Gã chủ tiệm lâm vào một thoáng trầm ngâm, ánh mắt dưới khói trầm mờ ảo tưởng chừng như khắc sau sẽ lâm vào mê loạn. “Còn nhìn thấy cả ảo hình lúc ngài tấu khúc, tiếng lúc nam lúc nữ, như nghe ra cố sự khác nhau?”​

Ngô Tuyết Phong lẳng lặng buông chén trà, nhìn gã chủ tiệm đương ngẫm nghĩ, lẩm bẩm điều gì không rõ. Chợt cơn gió xuân cuộn tung rèm lụa, cuốn vào gian phòng một đợt hàn vương đầy hương mai.​

Hai người chợt đưa mắt nhìn về phía Cẩm Sắt. Trong một thoáng, dường như có tiếng dây đàn rung lên, ảo hình thuyền con đạp nước, ba đào sóng vỗ, liễu rủ đôi bờ, mẫu đơn nở rộ, giai nhân ném khăn tay lên thuyền tài tử bảng lảng như khói sóng tháng ba hiện lên trước mắt, tâm túy mông lung...​

Ngô Tuyết Phong nhìn đến ngẩn ngơ.​

Giai nhân mặc Đường phục, lụa buông thắt thảng như sương khói, tóc Đọa mã cài mẫu đơn, vàng tươi rực rỡ tựa hương trời. Mặt ngọc, trâm biếc cuốn tóc mây, dù xuân nghiêng mái che khuôn mày. Tiếng vang thanh thúy, trêu người đến, tên thiếp Diêu Hoàng, vạn đắm say.​

Ảo hình chợt đến rồi chợt đi, lại một đợt gió xuân qua, hình bóng lay động rồi vụt tắt, chỉ còn vương lại vài cánh mai thắm đỏ theo gió cuốn trôi, vương lại mặt đàn.​

Gã chủ tiệm lặng đi hồi lâu, đợi lúc định thần mới ghé tai chàng thầm thì.​

“Vân Thủy phu tử, tiểu nhân đây có từng nghe được một chuyện.” Gã mông lung kể từng từ, “Phàm là vật có linh khí, đều có cố sự gắn với nó. Nếu lần tới ngài nghe thấy tiếng Cẩm Sắt tấu khúc giữa đêm, thì chớ có vội bước vào...”​







Chớ có vội bước vào, mà nghe cho ra cố sự, rồi hãy ngâm đôi câu. Nếu chạm trúng tâm tình, ắt đàn sẽ có biến hóa.​

Ngô Tuyết Phong vừa dứt lời, chỉ nghe tiếng ngâm đột nhiên ngưng bặt, rồi một giọng nam tử thoảng như gió ngàn vang lên, chẳng rõ vui buồn.​

Tại hạ sĩ gia Giang thị Hán triều, hiệu Vô Lãng. Xin hỏi Vân Thủy phu tử, nếu có hứng đối ẩm, mời cùng đàm đạo.

Khi Ngô Tuyết Phong vén lên rèm sa, đã thấy ngồi trước đàn Cẩm Sắt một thiếu niên áo tím thêu hạc trắng, dưới trăng chếch chiếu soi nom nửa hư nửa thực, mi thanh mục tú, tựa được tạc ra từ khói sóng sông trong, nở nụ cười ung dung như gió như sương.​

Lặng đi một thoáng, chàng cúi người chắp tay.​

Tại hạ sĩ gia Ngô thị Tây Hồ, hiệu Vân Thủy, vạn phần vinh hạnh.​

Đêm thanh gió bay, tay áo ươm mai, thi từ ca phú ngâm xướng không dứt, thanh cao như hoa mai, bổng bay tựa cánh hạc, ẩn hòa quy nhập trong tiếng đàn buông tích tịch tình tang...​

Từ ấy truyền ra, nhà Vân Thủy phu tử, chỉ trong một đêm tấu đàn, ba trăm gốc mai đỏ xòe cánh rực rỡ tiết xuân phân, từ xa nom rực cháy tựa biển hoa đỗ quyên, thắm như máu, nồng như lửa, khiến hạc trắng vỗ cánh ngang trời phải mê đắm mà lưu lại quấn quýt, một đời không đi, khác gì cư sĩ Lâm gia thuở nào...​







Đến khi Ngô Tuyết Phong nhận ra mình đã yếu tới mức nào, mai đỏ ngoài song đã nở rộ.​

Mắt khép hờ, buông dở Kiêm gia. Hương mai thanh, gió đưa vấn vít. Hương trầm hòa hơi tàn mờ mịt, tai vẳng tiếng tích tịch tình tang. Đàn Cẩm Sắt, một khúc xốn xang, dây tự nảy chút niềm xa vãng.​

Này bút, giấy, mực nghiên đã mài, trả cân đai về nơi lặng lẽ. Này biệt viện năm gian vắng vẻ, dưới gối vẫn ba ngàn đồ nhân. Này bình phong đề một chữ ‘Nhân’, kia trung đường đôi ba câu ‘Nghĩa’.​

Một đời cúi đầu trước hoa mai, chẳng quản chốn lao xao ồn ã. Một kiếp nuôi hạc trắng thành bầy, đợi hoa nở pha chén sương xuân.​

Đàn lặng tiếng, mờ hình cố nhân. Áo thêu hạc, ngả vời mây tím. Người, yêu khó phân, như ảo như thực, một đời mai thê hạc tử, sáng có lời học trò đọc sách, tối lại đối có tiếng tri âm.​

Thiếu niên năm ấy ngụ trong đàn, bao mùa mai nở vẫn trẻ trung như cũ. Mà phu tử tài hoa năm cũ, sớm đã nghe tiếng nước điểm canh.​

Vô Lãng Giang thị, xin tiễn Vân Thủy phu tử đoạn đường cuối.​

Hạ bút mực, thấm giấy Tuyên.​

Một đời, một kiếp, máu điều họa nhân.​

Đề xong chiếm khẩu, vứt bút lông, phất tay phóng khoáng.​

“Đa tạ.”​

Chao nghiêng.​

Hạc kêu thê lương, rừng mai rụng cánh. Gió xuân gào thét, hạc hát mưa mai, trắng khiết quyện chu sa, thê mà mỹ, lộng lẫy vô vàn.​

Ba ngàn tiếng khóc, tiễn gót chân một bậc đồ nho tài hoa phong nhã, cao khiết một đời...​







Có một tích xưa, giờ hãy lưu truyền ở chốn Giang Nam phong hoa nguyệt tuyết, ấy là ở Tây Hồ có một phiến rừng mai, giữa rừng mai có một biệt viện, trong biệt viện, trước có nàng con gái tài hoa phong nhã, sau có vị phu tử cốt cách tựa nhược thủy lưu vân ngụ ở đấy. Biệt viện nay không còn ai ở, đổ nát hoang tàn đã lâu, song nam thanh nữ tú mỗi tiết xuân phân ngoạn cảnh qua đấy, đều quả quyết rằng nghe thấy tiếng đàn tranh vọng ra từ lầu gác. Đàn buông như tiếng tơ tình, xối nước trong bình bạc vỡ tan. Tiếng thanh ngọc nảy mâm vàng, tiếng sâu tựa nét suối sa nửa vời.​

Cùng ngoảnh lại mà cùng trông thấy, thấy rực đỏ mai thắm đỗ quyên. Trời xanh hạc múa thành huyền, mai thê hạc tử thuyền quyên quây quần...​






1920.​

Có vị thiếu gia nhà họ Chu, nghe tiếng tích xưa truyền lại mà tìm tới, mua lại một phiến mai đỏ hoang vu nơi biệt viện Tây Hồ...​
 

Hàn Chiêu Thiến

Lure like như hack
Hội Tự Sát
Thần Lĩnh
Bình luận
790
Số lượt thích
3,187
Location
Đà Lạt
Team
Bá Đồ
Fan não tàn của
Hàn Diệp izthebezt!
#2
[Vương cầm ký][Lam Hà] Bách thanh điểu





Lam Hà công tử vẫn còn nhớ những lời sư mẫu nói với chàng ngày ấy. Trong trí nhớ của chàng, sư mẫu là một người rất kiệm lời, mà ngày ấy, Kim Tuyết nữ sĩ lại nói với chàng rất nhiều, nói rất nhanh như thể người sợ rằng mình nói không kịp. Người ta nói bậc cao nhân có linh, cũng giống như Khổng Tử ngày trước nhìn con kỳ lân mà than mình tận số, có lẽ khi ấy sư mẫu đã cảm nhận được thời khắc cuối cùng của bản thân đang dợm bước tới rất gần, thảng lẫn trong tiếng sa lậu đổ.

Kim Tuyết nữ sĩ vốn người Giang Nam, có tài thi phú nức tiếng, nổi danh Tần Hoài tam tuyệt, song một đời chỉ nhận duy nhất một học trò là con trai nhà họ Hứa. Hứa Bác Viễn là con của di nương, vì được Kim Tuyết nữ sĩ nhận làm học trò mà địa vị hai mẹ con trong phủ cũng nhờ đó mà nâng lên. Theo học từ năm lên năm cho tới mười lăm đôi trăng, chàng được sư mẫu truyền lại cho đàn tranh Cẩm Sắt của người, ban hào Lam Hà, rồi phất tay cho chàng xuất môn. Vùng Tần Hoài khi ấy có thêm một vị tài tử thi phú nổi danh, chuyên biệt tài vẽ cảnh sông nước, một bức đáng ngìn vàng.

Chàng tài tử ấy sống một cuộc đời hào sảng phóng khoáng, cưới vợ sinh con, cháu chắt đề huề, tài vang khắp chốn, dưới gối học trò không tới ngàn thì cũng tròn trăm, cuộc đời cứ bình thản như nước sông trong, không hề vướng bận.

Có lẽ vậy...







Đình tiền ngũ sắc hoa

Kim Tuyết nữ sĩ nhìn năm sắc mẫu đơn tươi tắn trước viện, hạ năm chữ lên giấy Tuyên chỉ, gác bút, tựa người vào gối xếp màu cỏ non trên sập tử đàn, dịu dàng nở nụ cười. Cả đời nàng chỉ nhận một học trò, nay xem hình dong tuấn tú, mắt như nghiên mực, mặt như nét họa, cũng có chút tài thi họa, đã có thể xuất môn, coi như không tốn công nuôi dạy.

Hứa Bác Viễn lạy sư mẫu rồi mới đón lấy tờ giấy, đọc năm chữ trên đấy, chỉ mới thoáng nghe tiếng chim phiến tước lích chích trong lồng treo ở mái hiên, chưa cần tới một phân đã nhấc bút, thảo ra năm chữ.

Trung lung bách thanh điểu

Kim Tuyết nữ sĩ lẳng lặng nhìn năm chữ ấy, chợt nở một nụ cười thê lương.

“Giỏi lắm, giỏi lắm!” Nàng hiếm hoi mới thốt ra lời khen ngợi, song ý cười chẳng nhuốm lên được đôi mắt, “Con nghe ta nói, đừng đi thi. Dù có ứng thí cũng tốn công vô ích, không thu được lợi lộc gì mà lại sinh bất đắc chí. Chi bằng làm một thi nhân nhàn tản là hơn.”

Đoạn, nàng phất tay áo.

“Ta ban Cẩm Sắt cho con. Đi đi, Lam Hà.”

“Tạ sư mẫu.”

Ba ngày sau, có tin truyền khắp chốn gác biếc lầu son, ấy là một trong Tần Hoài tam tuyệt tạ thế. Lam Hà khi ấy ngồi trong gác Liễu Sắc, chàng chợt run tay, bút đẫm chu sa vấy đầy giấy, cây liễu rủ ven sông cứ thế mà bị nhuốm hỏng rồi.

Thương ôi, quốc sắc thiên hương, hoa tàn trâm gãy mệnh dường dở dang. Mới qua xuân sắc đường hoàng, nay đà trâm lạnh vùi trong tuyết dày...







Mùa thu năm ấy, Lam Hà công tử mang theo kỳ vọng của nhà họ Hứa, lên thuyền ngược Giang Nam lên Trường An ứng thí. Chốn Trường An phồn hoa tựa cẩm, đóa Nhị Kiều khép nở xuân thu. Tiếng chàng ứng thí kinh khu, ra bài nặng nhẹ quyển đề làm sao.

Thuyền lại bến, rượu nồng đứt mối, Trạng Nguyên hồng chẳng lụy trần ai. Tiếc thay người bậc anh tài, trả vua áo mũ, năm năm trở về.

Chỉ bởi...

Mắt đưa khắp chốn, hoạn quan nhiễu loạn cung cấm. Sớ dâng tận tay, chẳng thấy một nét chu sa. Triều đường cãi cọ phong ba, thân ai nấy giữ bao đồng họa thân.

Thế nên...

Đâm ngán ngẩm, bỏ mũ từ quan. Bụng kinh văn, thôi bay theo gió. Sống một đời mà mặt cau có, chi bằng biết buông bỏ cửa quan. Nay ngắm cảnh vạn dặm quan san, mai vung bút họa nơi sông nước. Nét thuyền nan, nghìn vàng cầu ước, người trên cầu ước vọng nhân duyên. Sông trong chẳng màng truân chuyên, ba đào sóng vỗ dệt duyên họa cầm...

Rồi đến lúc...

Chợt dừng bút, nghe tiếng chim lảnh lót nơi lồng son, lại nhìn mẫu đơn thắm màu trước viện, mới thảng thốt đánh đổ mực nghiên, lẩm nhẩm lại đôi câu đối lãng quên thuở nào.

Đình tiền hoa ngũ sắc

Trung lung bách thanh điểu

Lam Hà tiến tới bàn gỗ lê phủ gấm đỏ, lướt tay lên dây Cẩm Sắt. Đinh một tiếng, đang một hơi, ngón phi, ngón rãi, buông bắt dìu dặt, tiếng đàn vang lại chợt uất ức tới thê lương. Tài hoa trác tuyệt là chi? Phong lưu tài tuấn là gì? Chỉ còn lại lệ nóng trào mi, rót trà thay rượu kính trời mà ngửa mặt cười to một tiếng.

“Thì ra là thế... thì ra là thế... chim trăm tiếng, chim trăm tiếng vẫn hoàn chim trong lồng, người trăm tài vẫn chỉ rặt người ất ơ... Sao ngày ấy ta lại không nghe lời sư mẫu...”






Ngày ấy,

sư như mẹ, dặn đừng ứng thí. Phận làm con, lại chẳng vâng lời.

Lời vút qua, gió thoảng mây thôi, giữa thời biến loạn thổi trôi chữ ‘Tài’.

Tài chẳng dụng, nói chi đến Nghĩa? Lễ, Trí, Tín, nước chảy mây trôi. Chi bằng giữ sơ tâm không đổi, về thôn quê dạy kẻ đổi đời. Nay mai vật đổi sao dời, anh hùng xuất thế thay lời ước mong. Đàn Cẩm Sắt gảy khúc long đong, thơ ngâm đau đỏ tươi hạt máu. Buông tay lao xao về sau, thành gia lập thất, gió vờn chẳng nghe. Năm mươi năm gõ đầu kẻ trẻ, lúc thôi nhàn đề bút họa tranh.

Tranh như thực, thực như tranh, chim trong lồng đấy...

...chợt bay mất rồi.






“Để tôi kể anh nghe, chủ nhân thứ ba của tôi là công tử Lam Hà, người nhà họ Hứa ở Giang Nam...”






---

Đình tiền ngũ sắc hoa/ Trung lung bách thanh điểu (Trước nhà hoa năm màu/ Trong lồng chim trăm tiếng): thực chất, đây là đôi câu đối được Trần Tế Xương (hay Tú Xương) làm lúc 8 tuổi. Người khác ra vế đối cho cậu Uyên (tên lúc nhỏ của Tú Xương) đã khen rằng cậu giỏi, nhưng chim trong lồng thì sợ sau này tài đấy mà không vẫy vùng được.
 

Bình luận bằng Facebook